Sổ sức khỏe điện tử và cách cài đặt
Sổ sức khỏe điện tử (SKKĐT) là ứng dụng di động dành cho người dân được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế.
Được xây dựng với mục tiêu giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã được cung cấp cho các thiết bị sử dụng hai hệ điều hành phổ biến là Android và iOS.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử cùng với Hệ thống quản lý và chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19là hai nền tảng được Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia khuyến nghị sử dụng để vừa hỗ trợ tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh, an toàn, thuận tiện vừa tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân.
Đăng ký tiêm chủng vắc xin qua SSKĐT
Để đăng ký tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 qua phần mềm Sổ sức khỏe điện tử, có thể tải và cài đặt app "Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT)" từ các kho ứng dụng Google Play và Apple Store.
Sau khi đã tải và cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, người dùng cần đăng ký tài khoản theo bốn bước:
- Mở ứng dụng;
- Nhấn vào biểu tượng "Đăng ký";
- Nhập các thông tin đăng ký gồm họ và tên, số điện thoại, mật khẩu (nhập 2 lần mật khẩu giống nhau để đảm bảo tính xác thực);
- Nhấn vào biểu tượng "Tiếp theo" để lưu thông tin đăng ký tài khoản.
Tiếp đó, người dùng cần thực hiện đăng nhập ứng dụng bằng cách nhập tài khoản (số điện thoại), mật khẩu vừa đăng ký vào các ô tương ứng trên giao diện và đăng nhập vào ứng dụng.
Để đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19, tại màn hình trang chủ của ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” người dùng chọn chức năng “Đăng ký tiêm chủng” và nhập các thông tin đăng ký tiêm, nhấn “Tiếp tục” để chuyển sang giao diện “Tiền sử tiêm”. Tại giao diện “Tiền sử tiêm”, điền các thông tin và lựa chọn tiếp tục để chuyển sang giao diện “Phiếu đồng ý”.
Sau khi đọc các thông tin tại giao diện "Phiếu đồng ý", tích chọn vào ô đồng ý tiêm chủng và nhấn "Xác nhận" để đăng ký tiêm. Màn hình giao diện "Đăng ký thành công" hiển thị.
Các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vắc-xin sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.
Không phải cứ đăng ký trước là được tiêm trước. Việc đăng ký tiêm qua mạng chỉ là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin. Trên hệ thống sẽ không thể hiện việc đăng ký trước sẽ được tiêm trước.
Tiêm chủng vắc xin COVID-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch tiêm. Cơ sở tiêm chủng trên địa bàn căn cứ vào thông tin này sẽ xác nhận lịch tiêm chủng cho người dân trong cùng thời điểm đó.
Trên hệ thống sẽ chia theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định. Khi cung cấp thông tin người dân sẽ cung cấp theo nhóm đối tượng trên hệ thống, dựa vào đó hệ thống sẽ phân loại để sắp xếp lịch tiêm phù hợp.
Sổ sức khoẻ điện tử - SSKĐT này sẽ thể hiện như thế nào với các trường hợp chưa tiêm, đã tiêm 1 mũi vắc xin hoặc tiêm đủ 2 mũi vắc xin
Sau khi đăng ký thông tin cá nhân trên SSKĐT, trên hệ thống sẽ sinh ra mã QR Code, mã này có màu đen và trắng, nhưng khi cá nhân người đó đã tiêm 1 mũi vắc xin mã này sẽ chuyển sang màu vàng và tiêm đủ 2 mũi sẽ chuyển sang màu xanh. Như vậy, từ bảng màu của mã QR Code sẽ thể hiện tình trạng tiêm vắc xin của người đó như thế nào.
Với những người tiêm trước đó, đã cài đặt SSKĐT, khi thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin điểm tiêm chủng nhập lên hệ thống thì mã QR Code cũng sẽ thể hiện màu tương tự với tình trạng tiêm chủng của họ.
Việc nhập các dữ liệu đang được tiến hành nên có thể một thời gian nữa những người đã tiêm vắc xin trước đó mới có thông tin trên hệ thống.
Mã QR Code trên sổ chứng nhận điện tử cá nhân này sẽ thay thế cho các giấy chứng nhận trước đó rằng người này đã tiêm ngừa vắc xin COVID-19.
Trên cơ sở dữ liệu tiêm chủng có thông tin người đã được tiêm (số mũi vắc xin, chủng loại vắc xin), sau khi tiêm xong, dựa trên Sổ tiêm chủng điện tử khi di chuyển trong nước, qua các điểm kiểm dịch có thể quét QR Code để biết được tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo "hộ chiếu vắc xin" sau này.
Comments (0)